Phát triển hệ thống cảng Đồng Nai: Chưa tương xứng tiềm năng

Cập nhật lúc 03:27, Thứ Hai, 11/11/2019 (GMT+7)

Với nhiều hệ thống sông lớn trên địa bàn, Đồng Nai được đánh giá là có nhiều tiềm năng để phát triển hệ thống cảng. Tuy nhiên, những năm qua, việc đầu tư, xây dựng các cảng vẫn diễn ra hết sức ì ạch, manh mún.

Hệ thống cảng đồng bộ sẽ giúp dịch vụ logistics có cơ hội phát triển mình. Trong ảnh: Xếp dỡ hàng tại Cảng Gò Dầu. Ảnh: Quỳnh Nhi
Hệ thống cảng đồng bộ sẽ giúp dịch vụ logistics có cơ hội phát triển mình. Trong ảnh: Xếp dỡ hàng tại Cảng Gò Dầu. Ảnh: Quỳnh Nhi

 

TIN LIÊN QUAN
* Tiềm năng lớn

 

Đồng Nai hiện có 13 con sông và kênh với tổng chiều dài hơn 2.300km, trong đó có nhiều sông lớn như: Đồng Nai, Nhà Bè, Lòng Tàu và Thị Vải. Đây là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển giao thông thủy và hệ thống cảng.

Theo Bộ GT-VT, dự báo đến năm 2020, lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ đạt khoảng gần 18-19 triệu tấn/năm, trong đó, hàng container đạt khoảng 0,66-0,71 triệu TEU/năm. Đến năm 2025, lượng hàng hóa thông qua cảng đạt hơn 29-33 triệu tấn/năm, trong đó lượng hàng container đạt từ 1,30-1,51 triệu TEU/năm. Đến năm 2030, lượng hàng hóa sẽ tăng lên mức từ 45-52 triệu tấn/năm, trong đó hàng container đạt từ 2,27-2,65 triệu TEU/năm.

Không chỉ có lợi thế từ hệ thống sông ngòi, việc phát triển hệ thống cảng trên địa bàn tỉnh còn được “bổ trợ” bởi sản lượng hàng hóa có nhu cầu vận chuyển bằng đường thủy lớn. 

Toàn tỉnh hiện có 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Điều này mang lại tiềm năng phát triển cho giao thông đường thủy cũng như hệ thống cảng bởi nhu cầu chuyên chở nguyên liệu, sản phẩm phục vụ sản xuất rất lớn. Trên địa bàn tỉnh có những vùng hấp dẫn trong hoạt động vận tải thủy do tập trung nhiều khu công nghiệp như: TP.Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành.

Những năm qua, vận tải giao thông đường thủy, đặc biệt là vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh có tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức cao. Theo Sở Giao thông - vận tải (GT-VT), năm 2010, sản lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy chỉ ở mức hơn 9 ngàn tấn thì năm 2017, đã đạt mức hơn 1,4 triệu tấn. Theo đánh giá, tốc độ tăng trưởng vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy tăng trung bình khoảng 5,6%/năm.

Từ những lợi thế trên, năm 2017, Bộ GT-VT đã phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam bộ (nhóm 5) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nhằm phát triển hệ thống cảng khu vực này, trong đó có tỉnh Đồng Nai. Theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh sẽ có 44 cảng trên 4 sông lớn gồm: Đồng Nai, Nhà Bè, Long Tàu và Thị Vải.

* Nhiều cảng “giậm chân tại chỗ”

Năm 2002, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty cổ phần vật tư xăng dầu (COMECO) đầu tư xây dựng Cảng xăng dầu COMECO quy mô 20 hécta tại xã Phú Đông và Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch). Sau đó, chính quyền các địa phương cũng đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến nay sau… 17 năm, nhà đầu tư vẫn chưa triển khai xây dựng cảng này. Ông Vũ Xuân Dự, Phó trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở GT-VT cho hay, đến nay dù Sở Tài nguyên - môi trường đã làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tuy nhiên nhà đầu tư vẫn chưa triển khai công tác xây dựng.

Biểu đồ thể hiện hệ thống cảng theo quy hoạch nhóm cảng biển Đông Nam bộ (nhóm 5). (Thông tin: PHẠM TÙNG - Đồ họa: HẢI QUÂN)
Biểu đồ thể hiện hệ thống cảng theo quy hoạch nhóm cảng biển Đông Nam bộ (nhóm 5). (Thông tin: PHẠM TÙNG - Đồ họa: HẢI QUÂN)

Ngoài Cảng xăng dầu COMECO, hàng loạt dự án cảng khác trên địa bàn tỉnh dù đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng đến nay, việc triển khai xây dựng vẫn chưa được thực hiện.

Thống kê của Sở GT-VT cho thấy, hiện nay mới chỉ có 21 cảng đã được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, tức chưa đạt được phân nửa tổng số cảng đã được quy hoạch. Trong khi đó, 14 cảng khác, dù đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư nhưng đến nay tiến độ triển khai vẫn hết sức chậm trễ. Trong đó có nhiều cảng dù đã được chấp thuận đầu tư hơn 10 năm nay những vẫn chưa triển khai xây dựng như: Cảng xăng dầu COMECO, Cảng Vĩnh Hưng (xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch), Cảng nhà máy đóng tàu 76…

Ông Nguyễn Thế Phong, Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch cho biết, một số dự án cảng trên địa bàn huyện dù đã được UBND chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng việc triển khai thực hiện còn rất chậm. “Điều này làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội của huyện và gây bức xúc cho người dân” - ông Nguyễn Thế Phong cho biết.

Cảng Phước An trên hệ thống sông Thị Vải được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2009 nhưng hiện nay việc triển khai xây dựng vẫn rất chậm. Ảnh: Phạm Tùng
Cảng Phước An trên hệ thống sông Thị Vải được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2009 nhưng hiện nay việc triển khai xây dựng vẫn rất chậm. Ảnh: Phạm Tùng

Theo UBND tỉnh, nhiều vùng quy hoạch cảng được giới thiệu, phê duyệt, bàn giao nhưng các nhà đầu tư không chịu triển khai như cam kết hoặc chậm triển khai thực hiện. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư không thực hiện đúng quy định của chính quyền địa phương trong báo cáo tiến độ triển khai dự án. Nhiều dự án khởi động từ lâu nhưng vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Không chỉ chậm trễ trong đầu tư xây dựng, thực tế tình trạng èo uột, manh mún của hệ thống cảng trên địa bàn tỉnh còn được thể hiện ở quy mô các cảng.

Trong số 21 cảng đã được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh chỉ có 2 cảng có quy mô trên 100 hécta gồm Cảng nhà máy luyện phôi thép Sunsteel (huyện Nhơn Trạch có diện tích hơn 139 hécta) và Cảng Vedan (huyện Long Thành có diện tích 120 hécta kể cả nhà máy). Trong khi đó, số cảng có quy mô trên 40 hécta chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thực tế, phần lớn các cảng đã được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động hiện nay đều có quy mô nhỏ, dưới 30 hécta. Một số cảng, quy mô diện tích chỉ ở mức dưới 5 hécta như: Cảng Unique gas (1,8 hécta); Cảng chuyên dùng SCT gas Việt Nam (3 hécta); Cảng xăng dầu VT gas (gần 4,5 hécta)…

* Chỉnh đốn tình trạng cảng manh mún

Đánh giá về thực trạng phát triển hệ thống cảng hiện nay, UBND tỉnh cho rằng, có nhiều nhà đầu tư do gặp khó khăn về nguồn vốn, không có năng lực khiến việc triển khai đầu tư, xây dựng bị chậm trễ. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh: “Dù có tiềm năng lớn để phát triển hệ thống cảng nhưng trong suốt một thời gian dài vẫn không có đơn vị đầu tư cảng nào thực sự bứt phá, nhiều dự án khởi động nhiều năm nhưng vẫn trong tình trạng “giậm chân tại chỗ”.

Từ thực tế này, lãnh đạo UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn rà soát lại quy hoạch cảng và cần thiết thì điều chỉnh cho phù hợp với hiện tại. Việc xem xét, rà soát lại hệ thống cảng cũng nhằm chỉnh đốn lại tình trạng phát triển manh mún hiện nay. Theo UBND tỉnh, phải xem xét, loại bỏ những nhà đầu tư thiếu năng lực, dự án hết thời hiệu không triển khai được cũng phải loại bỏ, thay thế. Đồng thời, tính toán nhu cầu thực tế của từng địa phương để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, phù hợp với chiến lược phát triển và định hướng lâu dài.

Theo ông Từ Nam Thành, Giám đốc Sở GT-VT, đơn vị đã có văn bản gửi Bộ GT-VT kiến nghị về việc rà soát, tính toán dự báo lượng hàng hóa để cập nhật, điều chỉnh lại quy hoạch hệ thống cảng. Một trong những phương án được Đồng Nai đề xuất là sẽ quy hoạch hệ thống cảng trên địa bàn tỉnh theo từng cụm cảng như cụm cảng tổng hợp, cụm cảng chuyên dụng để tạo sự liên kết.

Đối với các dự án cảng đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng nhà đầu tư chậm triển khai, Sở GT-VT cũng đề xuất các địa phương và các sở, ngành liên quan thực hiện giám sát đầu tư đưa ra biện pháp xử lý

Tin tức & Sự kiện khác